Cùng là kim loại vàng, nhưng giá trong nước chênh lệch với nước ngoài quá cao, sẽ gây nhiều kẽ hở.
"Tôi thấy thông điệp chính của bài viết là cần trả lại cho thị trường vàng tính lành mạnh cung- cầu vốn có của nó chứ không phải tăng cường kiểm soát giá. Bao giờ giá vàng thế giới và Việt Nam không chênh lệch nhiều thì tình trạng nhập lậu hay vàng không rõ nguồn gốc sẽ giảm. Khi thị trường lành mạnh thì bạn muốn tích trữ vàng 'cả tấn' cũng không ai cản trở".
Bạn đọc nickname johansirius bình luận như trên sau bài viết Vàng miếng độc quyền. Hơn một tháng qua, giá vàng miếng SJC tăng nhanh và biến động mạnh, hiện nay vẫn duy trì chênh lệch với giá thế giới 14-15 triệu đồng/lượng, mua vào 73-74 triệu đồng /lượng, bán ra 75-76 triệu đồng/lượng, nhiều người chuyển sang mua vàng nhẫn.
Ở bài viết trước, tác giả Hải Lý viết rằng: "Nhu cầu vàng ở Việt Nam lúc thăng lúc trầm song luôn tồn tại, còn nguồn cung hầu như không có, nên việc nhập khẩu vàng dưới nhiều hình thức khác nhau là không tránh khỏi. Cứ khi nào nhu cầu tăng, giá vàng trong nước cao hơn quốc tế, là tỷ giá ngoại tệ thị trường tự do "nhảy nhót" do đôla mặt được gom cho nghi vấn nhập vàng lậu".
Một số độc giả thảo luận về việc trả lại tính lành mạnh cho thị trường vàng thế nào? Độc giả Quang Tan nói: "Cơ quan chức năng nên dự trữ vàng thay vì để trong dân. Cơ quan chức năng có thể thu mua vàng của người dân sau đó dập thành vàng miếng rồi cất trong kho.
Mỗi miếng vàng một lượng sẽ cấp một "chứng chỉ vàng" có đầy đủ mã số, mã vạch, chống giả. Sau đó bán " chứng chỉ vàng" này cho người dân. Người dân có thể mua bán các "chứng chỉ vàng" này tại các phòng giao dịch của ngân hàng hoặc đổi chúng thành vàng vật chất.
Như vậy nhu cầu vàng trang sức, vàng miếng vật chất sẽ giảm. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát được số lượng lưu thông trên thị trường. Cho đến khi người dân quen sử dụng "chứng chỉ vàng" rồi thì lúc đó việc điều tiết cung cầu vàng - ngoại tệ - tiền đồng do nhà nước kiểm soát để có lợi nhất cho nền kinh tế".
Trong khi đó, độc giả nickname c49bq95hqx cho rằng: "Cung cầu chênh lệch, khiến vàng lậu khó kiểm soát, thất thoát ngoại tệ, thất thoát nguồn tiền trong dân, chính là dòng máu kinh tế của đất nước.
Vàng là một kênh đầu tư, hơn nữa từ lâu đời là kênh tích trữ của cải truyền thống, nên để thị trường quyết định, dòng tiền trao đổi chảy thông suốt, tự dưng giúp cho mạch máu kinh tế mạnh mẽ hơn".
Độc giả hoantn6371 nói: "Cần chấp nhận sự thật muôn đời là người dân luôn dùng vàng để neo giữ giá trị tài sản của mình. Vậy nên càng minh bạch, chống độc quyền và quản lý tốt thì Nhà nước và người dân càng có lợi, đồng thời giúp ổn định tỷ giá ngoại tệ trước các cơn chấn động giá dầu".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.