Có hai sự biến động khác hẳn nhau của giá vàng trong những ngày vừa qua.
Thứ nhất, vàng miếng SJC có thời điểm tăng đến 80 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 17-18 triệu đồng/lượng. Sau khi Thủ tướng có công điện gửi Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành ngày 27/12, yêu cầu theo dõi và thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng, vàng miếng SJC "đi tàu lượn" giảm 5-7 triệu đồng/lượng ngay hôm sau. Khoảng cách giữa giá vàng quốc tế và vàng miếng SJC đã rút ngắn, nhưng vẫn ở mức 11-15 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - giá bán vàng miếng SJC đã vọt lên 3-5 triệu đồng/lượng, chứng tỏ các doanh nghiệp và ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng đề phòng cao độ rủi ro lên xuống của giá vàng.
Thứ hai, giá vàng nhẫn bốn số chín bám sát giá vàng thế giới với cách biệt giá mua - giá bán không quá lớn, tầm một triệu đồng/lượng. Giá vàng quốc tế lúc 15h hôm nay 29/12 là 2.082 USD/ounce, tương đương 61,2 triệu đồng/lượng (tính theo giá ngoại tệ bán chuyển khoản của các ngân hàng là 24.400 đồng/USD và chưa tính thuế nhập khẩu), trong khi vàng nhẫn trong nước niêm yết giá 61-63 triệu đồng/lượng tùy nơi.
Như vậy thị trường vàng nhẫn trơn, vàng trang sức diễn biến khá ổn theo giá vàng quốc tế, nơi Việt Nam không thể kiểm soát mà chỉ có thể biến động theo. Nhu cầu mua vàng nhẫn trơn của người tiêu dùng tuy có tăng vì tâm lý thường thấy hễ vàng tăng giá là đổ xô mua, còn khi giá đứng yên hay giảm thì sức mua yếu.
Vấn đề nổi cộm của thị trường vàng, rõ ràng, tập trung ở sự cách biệt quá lớn giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới. Vì sao có sự cách biệt này?
Lý do đầu tiên và căn bản nằm ở chỗ vàng miếng SJC hiện không có thêm nguồn cung trong khi giá trị thương hiệu SJC vẫn còn đó. Vàng miếng SJC tồn tại trên thị trường là do Công ty kinh doanh vàng bạc đá quý SJC dập và gia công từ hơn mười năm trở về trước. Sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp quản bộ phận gia công vàng miếng của công ty SJC, bộ phận này ngưng hoàn toàn chức năng dập vàng. Nói đơn giản, kể từ đấy lượng vàng miếng SJC trên thị trường còn bao nhiêu, xài bấy nhiêu.
Thế nhưng ngay cả lượng vàng miếng SJC còn lại trên thị trường cũng ngày một ít đi. Những năm trước, tại những thời điểm giá vàng quốc tế cao hơn giá vàng trong nước, vàng (trong đó có vàng miếng SJC) có thể đã bị mua gom với nghi vấn xuất lậu. Ngoài ra có một, hai phần trăm trên tổng lượng lưu hành mỗi năm vàng miếng SJC bị móp méo, hư hỏng bao bì, mờ nhạt ký hiệu theo thời gian, nên người tiêu dùng không mua, các doanh nghiệp mua lại làm nguyên liệu chế tác vàng nữ trang. Cứ với đà này, đến một ngày nào đó, vàng miếng SJC có thể sẽ "tuyệt chủng".
Chất lượng vàng miếng SJC có cao hơn vàng nhẫn trơn bốn số chín do SJC và các đơn vị uy tín khác của ngành vàng sản xuất không? Chúng đều là vàng bốn số chín được các doanh nghiệp đong đo chất lượng đầy đủ. Tuy nhiên người tiêu dùng chuộng vàng miếng SJC vì nó có thể mua bán ở bất kỳ cửa hàng, tiệm vàng nào trên toàn quốc, nghĩa là mua một nơi bán nhiều nơi.
Vàng nhẫn trơn không có lợi thế ấy. Vàng nhẫn trơn mua ở đâu bán ở đó. Nếu bạn mua vàng nhẫn trơn ở cửa hàng nào, bạn phải giữ giấy biên nhận và khi cần mang đến chính cửa hàng đó bán. Bán ở cửa hàng khác thì hoặc người ta không mua, hoặc người ta mua với giá thấp hơn đáng kể giá thị trường (thường chỉ bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang). Sự bất tiện này làm người tiêu dùng khó chịu. Chưa kể việc bị ép bán với giá thấp gây thiệt hại về mặt tiền bạc.
Thay vì mua vàng nhẫn trơn bám sát giá thế giới, không ít người lựa chọn vàng miếng SJC. Nhu cầu vàng miếng SJC tăng còn nguồn cung không được mở rộng, hệ lụy đã xảy ra.
Vàng miếng SJC, như bất kỳ thứ hàng hóa nào, phụ thuộc cung cầu. Cầu tăng, cung giảm, đương nhiên giá chạy lên. Thêm nữa cung càng giảm, cầu càng tăng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu cơ xuất hiện. Chỉ cần một đơn đặt hàng mua 100 lượng vàng miếng SJC là giá vọt lên bởi bình thường giao dịch vàng miếng SJC toàn thị trường chừng đâu đó 200 lượng/ngày, theo người đứng đầu bộ phận kinh doanh vàng của một ngân hàng lớn.
Bên cạnh đó có một số yếu tố khách quan tác động đến giá vàng miếng SJC như giá vàng quốc tế tăng và mặc dù giảm một chút so với đỉnh vừa thiết lập, vẫn đang đứng ở mức cao nhất mọi thời đại; lãi suất tiết kiệm Việt Nam đồng thấp chưa từng thấy trong vòng ba mươi năm qua; các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản khó khăn; lạm phát đang được kiểm soát nhưng lãi suất tiền gửi sáu tháng trở lên cũng không cao hơn chỉ số CPI bao nhiêu... So sánh giữa các kênh đầu tư, người ta không thể không để mắt đến vàng khi thứ kim loại quý hiếm này vẫn là một kênh "trú ẩn" để giữ tài sản tích cóp. Đa số người mua vàng thường mua vài chỉ đến hai, ba lượng. Song nhiều người mua sẽ "góp gió thành bão".
Tháo gỡ vấn đề thị trường vàng bây giờ là giải quyết câu chuyện vàng miếng SJC. Cho phép gia công vàng miếng SJC trở lại là góp phần vàng hóa nền kinh tế. Giải pháp khả thi để "hạ nhiệt" vàng miếng SJC là điều chỉnh hài hòa, cân đối mặt bằng lãi suất tiền đồng, đồng thời có các giải pháp kích cầu các kênh đầu tư khác. Người tiêu dùng Việt Nam nhanh nhạy, kênh đầu tư nào có lợi, tiền lập tức dồn vào đó. Sức hút của vàng bớt đi, nhu cầu vàng giảm, giá vàng miếng SJC sẽ hạ.
Những người mua vàng lúc này cũng nên tính toán kỹ lưỡng bởi đầu tư vàng là nắm giữ dài hạn hàng năm, có thể 5-10 năm. Có nên mua vào lúc giá vàng thế giới đang ở đỉnh? Sự đầu cơ trên thị trường tài chính quốc tế đối với vàng và các kim loại quý có khả năng dẫn đến biến động rất mạnh về giá. Đã có thời gian sự giảm giá của vàng quốc tế kéo dài hàng tháng, hàng năm. Người giữ vàng nếu cần chi tiêu ngắn hạn, buộc phải bán ra vào những lúc giá giảm sẽ thiệt không nhỏ.
Hải Lý