Gánh tàu hũ đường mật bán không ngừng tay là một hình thức kinh doanh truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Những người bán di chuyển trên phố, mang theo giỏ đựng tàu hũ đường mật và bán cho khách hàng. Đây là một món ăn truyền thống ngọt ngào và thường được ưa chuộng vào mùa hè nóng bức. Sản phẩm được chế biến từ đường mật tự nhiên và có nhiều hương vị đa dạng như đậu xanh, đậu đỏ, trái cây… Gánh tàu hũ đường mật không chỉ mang lại niềm vui cho khách mua mà còn góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Từ 7h sáng, bà Hiệp luôn tay múc đồ cho khách. Xung quanh có đặt những chiếc ghế nhỏ cho khách ngồi ăn tại chỗ, ngoài ra còn có nhiều người mua mang đi.
Đây là một trong những gánh tàu hũ ở Sài Gòn nhận rất nhiều lời phản hồi tích cực từ thực khách suốt 30 năm qua nhờ đậu nấu mịn, nước đường gừng đậm vị, kèm những viên trân châu mềm.
Theo bà Hiệp, món ăn tuy đơn giản, nhưng công đoạn chế biến khá vất vả, tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo léo, tập trung suốt quá trình thực hiện. Chẳng hạn, đậu nành được ngâm lúc 21h thì sau đó 2 tiếng bà sẽ phải thức dậy xay và nấu. Công đoạn này được xem là khó nhất vì nếu xay không kỹ, sữa sẽ không ra hết, làm nhão đậu khi nấu, có thể không cho ra thành phẩm ưng ý.
Đậu nành sau khi xay nhuyễn và được lọc khoảng 5-6 lần rồi mới đem nấu cho đông lại vì chỉ như vậy mới cho ra thành phẩm sánh mịn. Mỗi ngày, bà Hiệp sơ chế công đoạn này cho khoảng 20 kg đậu nành để làm ra hai nồi thành phẩm. "Tôi từng thất bại nhiều lần trong quá trình nấu tàu hũ những ngày đầu bán hàng. Chỉ cần thực hiện sai một công đoạn, coi như phải bỏ tất cả và làm lại từ đầu", bà chủ chia sẻ.
Để món ăn thơm ngon, công đoạn nấu nước đường, cốt dừa và làm trân châu... không kém phần quan trọng. Với nước đường, bà Hiệp chọn loại đường mật để nấu cho có màu sắc đẹp, đậm vị. Nồi nước đường thơm ngon còn có thêm những lát gừng cay và phải đun nóng trong suốt thời gian bán. Trân châu được làm từ bột năng nên có độ mềm dẻo. Còn nước cốt dừa sẽ nấu sệt, vị béo ngậy. Tất cả đều được chuẩn bị sẵn ở nhà.
Khi khách tới gọi món, bà chủ sẽ dùng dụng cụ đặc biệt bằng nhôm rồi hớt từng lớp mỏng tàu hũ cho vào chén, sau đó chan nước đường gừng, cốt dừa, viên bột năng. Tuy nhiên, tùy theo sở thích, nếu không thích nước cốt dừa hoặc trân châu, thực khách có thể yêu cầu không thêm vào.
Tàu hũ mềm, không quá béo ngậy, ăn tới đâu tan trong miệng tới đó, thêm một chút nước đường mật dậy mùi cùng cốt dừa, trân châu mềm thơm.... là món khoái khẩu của nhiều thực khách.
Là một trong những thực khách yêu thích các món ăn vặt, Thu Trang (quận Tân Bình) cho biết, chính sự thân thiện, mộc mạc của bà chủ gánh cùng chất lượng thơm ngon trong món ăn đã thu hút chị tìm đến gánh tàu hũ bà Hiệp 3 lần trong tuần, suốt nhiều năm qua.
Mỗi chén tàu hũ ở đây có giá 10.000 đồng. Ngoài ra, bà Hiệp còn nấu thêm sữa đậu nành để đáp ứng nhu cầu của thực khách.
Hà Lâm